Life is short
24 Aug 2019

*Bản dịch “Life is short” của Paul Graham. http://www.paulgraham.com/vb.html

Mọi người đều biết, cuộc sống vốn ngắn ngủi. Khi còn là một đứa trẻ tôi đã luôn thắc mắc về điều này. Cuộc sống có thật sự ngắn ngủi hay không? Hay chúng ta vẫn luôn kêu ca về tính hữu hạn của nó? Chúng ta có còn cảm thấy cuộc đời ngắn ngủi nếu như thời gian chúng ta sống nhiều hơn hiện tại gấp 10 lần?

Từ lúc cảm thấy không có cách nào để trả lời câu hỏi, tôi dừng băn khoăn về nó, cho đến khi những đứa trẻ ra đời. Việc đó cho tôi cách để trả lời câu hỏi, và câu trả lời là cuộc sống thật sự rất ngắn ngủi.

Sự xuất hiện của những đứa trẻ chỉ cho tôi cách chuyển đổi một đại lượng liên tục là thời gian, thành các đại lượng rời rạc. Bạn chỉ có 52 ngày cuối tuần với đứa con 2 tuổi của mình. Nếu điều kỳ diệu của lễ Giáng sinh có thể kéo dài từ 3 đến 10 tuổi thì bạn chỉ có thể cùng con trải nghiệm điều đó 8 lần trong đời. Và mặc dù không thể biết thế nào là nhiều hay ít khi nói về thời gian, nhưng 8 không phải là một con số thật sự nhiều. Nếu bạn có trong tay 8 hạt lạc, hoặc đứng trước một kệ sách chỉ với 8 quyển sách để lựa chọn, số lượng này rõ ràng là có giới hạn, bất kể tuổi thọ của bạn là bao nhiêu đi nữa.

Vậy cuộc sống thật sự là ngắn ngủi. Tuy nhiên nhận ra điều này có tạo ra sự khác biệt gì không?

Với tôi thì có. Nó làm cho các lập luận kiểu như “Cuộc sống quá ngắn ngủi để làm gì đó” trở nên có tác dụng rất lớn. Nó không chỉ đơn thuần để diễn tả sử ngắn ngủi của việc bạn dành thời gian quý báu cho một điều gì đó, cũng không chỉ là một từ diễn tả sự phiền muộn hay bực mình. Nếu bạn nghĩ rằng cuộc sống là quá ngắn để làm một điều gì đó không cần thiết, bạn nên cố gắng loại bỏ nó nếu có thể.

Khi tự hỏi bản thân rằng cuộc sống quá ngắn ngủi để làm điều gì đó? Tôi gần như lập tức có ngay câu trả lời, đó là những điều “nhảm nhí”. Tôi nhận ra rằng câu trả lời này có vẻ phiến diện, kiểu như định nghĩa của việc nhảm nhí là việc bạn dành thời gian cuộc sống quá ngắn ngủi chỉ để làm những việc đó. Việc nhảm nhí luôn có một đặc điểm riêng, có điều gì đó giả tạo về nó, giống như trải nghiệm khi bạn ăn những món ăn rác rưởi.

Nếu tự hỏi bản thân bạn đã dành thời gian của mình vào việc nào đó nhảm nhí, bạn dường như đã biết trước được vài câu trả lời. Những cuộc họp không cần thiết, những tranh cãi không đáng có, tệ nạn quan liêu, bảo kê, gánh vác lỗi lầm của người khác, kẹt xe, những trò tiêu khiển gây nghiện không thật sự cần thiết.

Có 2 cách để những thứ này xâm nhập vào cuộc sống của bạn: hoặc là nó ảnh hưởng trực tiếp đến bạn, hoặc nó đánh lừa bạn. Ở một mức độ nào đó, bạn phải chịu đựng những điều nhảm nhí do hoàn cảnh ép buộc. Bạn cần kiếm tiền, và kiếm tiền chủ yếu từ những việc vặt vảnh. Và sự thật là theo quy luật cung cầu, công việc nào càng dễ dàng nhận được thành quả thì càng nhiều những con người rẻ mạt tìm đến nó. Bạn có thể không nhận ra, tuy nhiên có cách để bản thân có thể ít bị ép buộc làm những điều nhảm nhí nhiều hơn bạn nghĩ. Luôn luôn có những người lựa chọn không sống một cuộc sống bình thường như bao người - thức dậy/kiếm tiền/nghỉ ngơi và cứ như vậy, họ chọn sống ở một nơi ít cơ hội hơn, làm những việc mang lại thu nhập ít hơn, nhưng cuộc sống của họ trở nên chân thực và muôn màu hơn. Tình trạng này đã dần trở nên phổ biến.

Bạn thậm chí có thể làm như vậy mà không cần phải di chuyển (không cẩn phải bỏ phố về rừng). Việc nhảm nhí bạn phải tham gia nhiều hay ít tuỳ thuộc vào việc bạn làm việc ở đâu, và cho ai. Hầu hết các công ty lớn (thậm chí công ty nhỏ) đều đầy rẫy những việc nhảm nhí. Nhưng nếu bạn ưu tiên một cách có ý thức việc tránh phải tham gia vào việc nhảm nhí nhiều hơn các yếu tố khác như tiền bạc, uy tín, danh lợi, bạn có thể tìm ra một nơi làm việc nào đó ít lãng phí thời gian của mình (vào những việc nhảm nhí) hơn.

Nếu bạn chọn làm một freelancer hoặc một công ty nhỏ, bạn có thể làm việc ở góc độ người đóng góp cá nhân, không tham gia vào việc điều hành quản lí, chỉ làm những việc (cho là) bản thân mình yêu thích, thì khi bị sa thải hoặc tìm cách tránh những khách hàng vớ vẩn, bạn có thể tránh được việc nhảm nhí trong cuộc sống nhiều hơn mức giảm thu nhập của bản thân.

Nhưng đôi khi bạn bị ép buộc phải làm các việc nhảm nhí, nó xâm nhập vào cuộc sống bằng cách làm cho người ta nghĩ rằng mình phải làm việc đó - vì đó là lỗi của mình. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa việc bị ép buộc làm những việc nhảm nhí, và việc lựa chọn làm những việc đó. Sẽ rất khó để loại bỏ những thứ mả bản thân lựa chọn tham gia vào. Một ví dụ điển hình là việc tranh luận trên không gian mạng. Khi ai đó mâu thuẫn với bạn, họ sẽ tấn công bạn, và đôi khi việc này xảy ra một cách công khai. Bản năng của con người khi bị tấn công sẽ là tự vệ. Nhưng giống như nhiều bản năng khác, thứ bản năng này không được thiết kế cho thế giới mà chúng ta đang sống (thực tại và không gian mạng). Nếu những tranh luận nhảm nhí này xảy ra thường xuyên ở đời thực, thì những người đang tranh luận với bạn có thể lấy đi mạng sống của bạn theo đúng nghĩa đen.

Tranh luận trên không gian mạng ngẫu nhiên trở thành thứ gây nghiện, đôi khi còn nguy hiểm hơn thế. Một trong những tác dụng phụ của khoa học kĩ thuật là làm cho những thứ chúng ta yêu thích (trên không gian mạng) dễ gây nghiện hơn. Điều này có nghĩa có nghĩa chúng ta phải luôn nỗ lực để tránh rơi vào trạng thái nghiện ngập, phải luôn tự hỏi “đây có phải là thứ mà tôi muốn dành thời gian của mình hay không?”

Ngoài cách tránh làm những thứ nhảm nhí, chúng ta nên chủ động tìm kiếm những điều quan trọng. Điều quan trọng với người này, chưa chắc đã là điều quan trọng với người khác, và chúng ta phải tự mình xem xét xem điều gì là thực sự quan trọng với bản thân mình hơn. Một số ít may mắn nhận ra được thứ mà mình yêu thích, như toán học, chăm sóc động vật, hoặc viết lách, sau đó tìm cách để dành nhiều thời gian để thực hiện những việc đó. Nhưng hầu hết mọi người đều bắt đầu cuộc sống hỗn hợp giữa những thứ quan trọng và không quan trọng, và chỉ dần dần học cách phân biệt giữa chúng dần dà theo thời gian.

Với giới trẻ mà nói, phần lớn sự nhầm lẫn này là do các tình huống giả tạo mà họ gặp phải. Ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, điều các bạn đồng lứa nghĩ về mình dương như là thứ quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng khi bạn hỏi người lớn cho rằng điều gì là sai lầm nhất trong giai đoạn đó của cuộc đời? Gần như tất cả đều nói rằng đó là họ quan tâm quá nhiều vào việc những đứa trẻ khác nghĩ gì về họ.

Một bí quyết để phân biệt những thứ quan trọng là tự hỏi bản thân liệu bạn có quan tâm đến nó trong tương lai hay không. Ví dụ như tin giả thường đánh vào những thứ có độ quan trọng cao. Đó là cách nó lừa bạn. Những điều ít ai nói đến nhưng lại quan trọng ở một tầm vĩ mô thường dẫn đến sự quan tâm của rất nhiều người, ở tức thời nhưng không còn quan trọng nữa (với người đọc) về sau.

Điều quan trọng không những thiết là những thứ mà tất cả mọi người đều cho là quan trọng. Đi cafe với một người bạn là một ví dụ, bạn thường sẽ không cảm thấy việc đó lãng phí thời gian của mình.

Điều tuyệt vời khi có con nhỏ là nó khiến bạn dành thời gian cho thứ thật sự quan trọng: con của bạn. Con nắm lấy tay áo của bạn khi bạn đang nhìn chằm chằm vào điện thoại và nói “Ba ơi chơi với con”, và điều đó thực tế là cách hữu ích nhất để bạn đưa ra sự lựa chọn, có cần phải kết thúc việc nhảm nhí đang làm hay không?

Nếu cuộc sống thật sự ngắn ngủi, sự ngắn ngủi này sẽ mang đến cho chúng ta những điều bất ngờ, và những điều bất ngờ này luôn có khuynh hướng sẽ xảy ra. Đôi khi có những thứ bạn cho rằng đương nhiên sẽ như vậy, cho đến khi những thứ đó biến mất. Bạn nghĩ rằng bạn luôn có thể viết xong cuốn sách đó, hoặc leo lên ngọn núi đó, hoặc bất cứ điều gì, và rồi bạn nhận ra cánh cửa sổ bỗng nhiên đóng lại. Và cánh cửa sổ buồn nhất bị đóng lại khi người thân / hoặc ai đó quan trọng với bạn mất đi. Cuộc sống của bạn ngắn ngủi, và đương nhiên họ cũng vậy. Sau khi mẹ tôi qua đời, tôi đã ước rằng mình dành thời gian nhiều hơn cho bà. Tôi đã sống như bà sẽ luôn ở đó, và cũng với suy nghĩ đó, mẹ tôi lại luôn sống như là bà sẽ luôn ở đó chờ tôi. Nhưng đó rõ ràng là ảo tưởng, và tôi tin rằng rất nhiều người đã / sẽ mắc sai lầm như tôi đã làm.

Cách đơn giản để tránh bị bất ngờ trước một điều gì đó là nhận thức một cách có ý thức về nó. Trở lại cuộc sống sau khi trải qua một cơn thập tử nhất sinh, người ta sẽ biết cách trân quý cuộc sống của mình hơn giai đoạn trước đó. Tôi không chắc vì sao, nhưng có vẻ không thích hợp khi liên tục nhắc nhở bản thân về việc thần chết đang lượn lờ trên vai mọi người, rằng họ có thể sẽ chết vì một lí do nào đó. Có lẽ giải pháp tốt hơn là nhìn vấn đề theo một cách khác - rèn luyện thói quen thiếu kiên nhẫn về những việc bạn muốn làm nhất. Đừng chờ đến khi bạn có thời gian để bắt đầu viết cuốc sách đó, leo lên ngọn núi đó hoặc chạy ngay về thăm mẹ của mình.

Bạn không cần phải liên tục nhắc nhờ bản thận rằng không nên chờ đợi, chỉ cần đừng chờ đợi!

Thậm chí khi không có quá nhiều những việc thật sự quan trọng trong cuộc sống, hãy cố gắng chậm lại, bạn sẽ thấy có nhiều hơn những điều quan trọng xung quanh mình, và dành nhiều thời gian thưởng thức những điều này. Cách bạn sống ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn sẽ sống bao lâu. Hầu hết mọi người đều có thể làm tốt hơn, tôi cũng vậy.

Bạn còn có thể có được hiệu quả hơn nữa bằng cách chú ý hơn đến chi tiêu thời gian của bản thân. Thật dễ dàng để nhìn ngày tháng trôi qua một cách vội vàng. Một luồng suy nghĩ mà đa số những người giàu trí tưởng tượng hay nhắc đến như một lí do thoái thác, là đâu đó có một con yêu tinh đen tối ngăn cản bản thân dừng lại để tận hưởng giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật và báo thức hàng ngày.

Chúng ta còn có thể phần nào làm thời gian chậm lại. Tôi đã trở nên giỏi hơn trong việc đó, nhờ sự giúp đỡ từ những đứa con của mình. Khi có con nhỏ, có rất nhiều khoảnh khắc hoàn hảo khiến bạn không thể bỏ qua, ghi nhớ mãi.

Tích lũy từ kinh nghiệm trong quá khứ cũng giúp ích khá nhiều. Khi nghĩ đến Mẹ, lí do tôi cảm thấy buồn không chỉ vì tôi nhớ bà mà còn vì tôi nghĩ rằng lẽ ra chúng tôi đã làm được nhiều điều hơn trong quá khứ, nhưng chúng tôi đã không làm. Con trai lớn của tôi năm nay 7 tuổi, tôi nhớ khoảnh khắc và vẻ ngoài của con khi 3 tuổi, nhưng ít nhất tôi không có gì hối tiếc. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời nhất mà một người cha và đứa trẻ 3 tuổi nên có.

Hãy cố gắng tránh lãng phí thời gian, đừng chờ đợi cơ hội để làm những điều ý nghĩa mà hãy tận hưởng thời gian của mình. Đây là thái độ chúng ta nên có, cuộc đời rất ngắn ngủi.